Saturday, 20/04/2024 - 21:14|
THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2022)

TALK SHOW “KHI TRANG SÁCH MỞ RA” CỦA TRƯỜNG TIỂU HỌC HẢI ĐÌNH VÀ SỰ THÀNH CÔNG TRONG TRUYỀN TẢI VĂN HÓA ĐỌC

Ngày 23/4/2022, Trường Tiểu học Hải Đình đã tổ chức talkshow “Khi trang sách mở ra” nhằm cụ thể hóa triển khai thực hiện đưa văn hóa đọc vào Nhà trường và kỷ niệm “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đây không chỉ là sự trăn trở của Nhà trường mà còn là mong muốn làm thế nào để tổ chức buổi tọa đàm kết nối giữa phụ huynh, học sinh với giáo viên nhằm định hướng giáo dục và lan tỏa tình yêu sách..."

Trang sách không nói được

Sao em nghe điều gì

Dạt dào như sóng vỗ

Một chân trời đang đi

(Trích dẫn: Khi trang sách mở ra - Nguyễn Nhật Ánh)

Ngày 23/4/2022, Trường Tiểu học Hải Đình đã tổ chức talkshow “Khi trang sách mở ra” nhằm cụ thể hóa triển khai thực hiện đưa văn hóa đọc vào Nhà trường và kỷ niệm “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đây không chỉ là sự trăn trở của Nhà trường mà còn là mong muốn làm thế nào để tổ chức buổi tọa đàm kết nối giữa phụ huynh, học sinh với giáo viên nhằm định hướng giáo dục và lan tỏa tình yêu sách.

Vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, Trường Tiểu học Hải Đình đã tổ chức thành công Talkshow theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt có sự tham gia của Tiến sỹ Trần Thị Quỳnh Nga - Khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Trong thời đại công nghệ thông tin 4.0, internet, các trang web, mạng xã hội Faceook, tiktok đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp, đối tượng và làm lu mờ đi giá trị văn hóa đọc và tầm quan trọng của sách đối với đời sống tinh thần trong xã hội.

Talkshow được đông đảo các phụ huynh, học sinh hưởng ứng tham gia, thu hút sự chú ý của hơn 440 người theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, chứng tỏ văn hóa đọc vẫn có sức ảnh hưởng, quan tâm lớn trong xã hội. Việc làm thế nào để đưa sách càng ngày càng gần gũi hơn đến các đối tượng, phù hợp với tình hình phát triển của thời đại mới là câu hỏi lớn được đặt ra không chỉ của toàn ngành giáo dục và của cả xã hội Việt Nam mà thông qua sự chia sẻ, trăn trở của các thầy cô, phụ huynh đã phần nào giải đáp và khẳng định giá trị to lớn, kho tàng tri thức bất tận của sách đối với gia đình và xã hội.

Xin viện dẫn thống kê của một số tài liệu: Ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. Các nước trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm.

Tỷ lệ đọc của một số quốc gia Đông Nam Á cao vì có chính sách phát triển thói quen đọc. Chẳng hạn ở Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Ở Hàn Quốc, cha mẹ đọc sách cùng con ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Ở Thái Lan, một khảo sát trên 55.000 người chỉ ra thời gian đọc trung bình ở các độ tuổi lần lượt là: 71 phút/tuần với trẻ em, 94 phút/tuần với thanh niên, 61 phút/tuần với người lao động,....

Xưa và nay, Việt Nam vẫn là một quốc gia ngàn năm văn hiến với truyền thống hiếu học mà hình tượng tiêu biểu là Văn Miếu Quốc Tử Giám, được xây dựng vào từ năm 1070 bởi vua Lý Thánh Tông, là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy là một nước có bề dày lịch sử về giáo dục, có truyền thống hiếu học nhưng trong bảng xếp hạng 61 “Quốc gia đọc sách” của thế giới, với các quốc gia đứng đầu như: Ấn Độ, Israel, Nhật, Đức, ở Đông Nam Á có 3 quốc gia là Singapore, Malaysia và Indonesia, nhưng không có quốc gia Việt Nam chúng ta. Cau hỏi đặt ra là vậy tại sao là một nước với bề dày hơn 4000 năm lịch sử nhưng trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là các loại sách khác ?. Điều đó chứng tỏ văn hóa đọc sách ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế…

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc đọc sách, nhằm mục đích tôn vinh văn hóa đọc, khơi dậy thói quen và niềm yêu thích đọc sách. Talkshow của Trường Tiểu học Hải Đình đã đưa ra chủ đề “Khi trang sách mở ra” như một lời gợi ý để các phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo viết tiếp sự “mở ra” đó, và sẽ đem lại những điều gì sau lời gợi ý đều do sự đóng góp của từng cá nhân, của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng.

Với nội dung, chủ đề định hướng, Talkshow đã thành công trong truyền tải thông điệp văn hóa đọc và cách thức để sách trở thành một phần không thể thiếu trong giáo dục của nhà trường, trong sinh hoạt đời sống của gia đình và yếu tố quan trọng trong định hình nhân cách, truyền tải nội dung nhân văn, hướng tới tính chân - thiện - mỹ và làm phong phú giá trị sống đậm bản sắc dân tộc. Việc phát triển văn hóa đọc tập trung vào 3 thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc, các ý kiến trao đổi đã đưa ra những nhận định đa chiều nhiều cách nhìn nhận tiếp cận, chỉ ra những vấn đề cần giải quyết trong phát triển văn hóa đọc ở cộng đồng và tại nhà trường như:

- Ý kiến của tiến sỹ Trần Thị Quỳnh Nga - Khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm, Đại học Huế về phương pháp đọc sách đối với học sinh trong đó với phương pháp “Phiếu đọc” để ghi lại những suy nghĩ về cuốn sách đang đọc, về tác giả, tác phẩm, nhân vật. Tạo thói quen suy nghĩ, tư duy khi đọc sách, đặt tâm hồn vào từng trang sách để thấm dần hiểu rõ những ý tưởng mà tác giả muốn truyền tải.

- Trao đổi của bà Nguyễn Thị Ái Liên - Phòng Giáo dục MN-TH, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình với vai trò là một phụ huynh nhận định về việc “chấp nhận và thay đổi”, trong đó đặt ra những vấn đề của phụ huynh đang gặp phải trong giáo dục trẻ: Đó là tính áp đặt, tính khuôn mẫu và bắt buộc. Việc đưa ra “chấp nhận” là việc phụ huynh phải đặt vào vị trí của trẻ để chấp nhận thực tại trẻ em bây giờ khác chúng ta xưa, khác từ cách tiếp cận từ tư duy nhận thức, khác từ cách thức tiếp xúc “bắt trend văn hóa” của giới trẻ đối với sách. Từ đó phụ huynh phải biết chấp nhận sự khác biệt để “thay đổi” chính bản thân cho phù hợp với tư tưởng, văn hóa đọc của giới trẻ.

- Như trăn trở của cô Nguyễn Thu Hà - Giáo viên Trường Tiểu học Hải Đình với cách thức làm thế nào để phát triển văn hóa đọc. Đặt ra vấn đề đối với Nhà trường, các cấp quản lý phải làm gì ?, đối với giáo viên phải làm gì và học sinh phải như thế nào để lan tỏa văn hóa đọc sách ?.

Những cách nhìn nhận đa chiều đã góp phần làm phong phú thêm phương pháp tiếp cận cho học sinh trong nhà trường đến văn hóa đọc sách, là một phụ huynh được tham gia đồng hành talkshow, qua những chia sẽ đã rút ra những kinh nghiệm thực tiễn để thay đổi tư duy, phương pháp đưa văn hóa đọc sách trong giáo dục để trở thành thói quen của con em, không áp đặt mà hãy để trẻ tự lựa chọn cho bản thân một thể loại sách yêu thích, có chủ đề, định hướng để tạo sự thích thú, lôi cuốn khi đọc, trau dồi những kiến thức bổ ích cho bản thân trên con đường chinh phục những ước mơ. Đối tượng thích nghiên cứu tự nhiên - xã hội cứ để trẻ chọn 10 vạn câu hỏi tại sao, đối tượng thích toán học, văn học, vật lý… hãy cứ để trẻ đọc các tài liệu về toán, văn, vật lý…. biết đâu đó sẽ có những Isaac Newton, Marie Curie, sẽ có một Pushkin, Victo Huygo, một Tố Hữu hay Nguyễn Nhật Ánh trong tương lai, góp phần đưa Việt Nam vươn ra trở thành một trong những “Quốc gia đọc sách” của thế giới, góp phần trong công cuộc kiến thiết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, sách điện tử, sách nghe, sách online có chỗ đứng nhất định trong văn hóa đọc sách và được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Những ấn phẩm điện tử là sự phát triển tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển của xã hội, không thể phủ nhận vai trò và vị trí của sách in nhưng cũng không thể bỏ qua tầm quan trọng của ấn phẩm điện tử trong tiến trình đó. Việc kết hợp giữa khoa học công nghệ và văn hóa đọc như thế nào mới là điều cần phải quan tâm nhằm khai thác ưu thế của để phát triển văn hóa về sách để ứng dụng vào việc dạy và học, vào đọc và tư duy, vào truyền tải ý nghĩa cao đẹp của sách đến với người đọc.

Thiết nghĩ để truyền tải được những ý nghĩa cao đẹp đó Nhà trường, các cấp ngành cần có nhiều hoạt động về sách để giới thiệu những cuốn sách hay đến tay độc giả đặc biệt là giới trẻ, đặc biệt tạo điều kiện cho các học sinh được tiếp xúc nhiều hơn nữa với sách. Cần phải nhân rộng thêm nhiều buổi “talkshow” từ mô hình của Trường Tiểu học Hải Đình trong toàn ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung để lan tỏa tình yêu, tôn vinh giá trị về sách và văn hóa đọc đồng thời góp phần định hình tư duy về cách dạy, học và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thắp lên ngọn lửa tri thức góp phần bảo tồn và truyền bá văn hóa Việt Nam.

Sau đây là một số hình ảnh tại buổi talk show:

Người viết

Phụ huynh Lớp 1/3- TH Hải Đình

 

Lượt xem: 210
Bài tin liên quan